Trẻ sơ sinh bị đầy hơi, mẹ nên làm gì?

Hầu như bé sơ sinh nào cũng từng bị đầy hơi chướng bụng. Đây là triệu chứng phổ biến nhưng hoàn toàn có thể xử lý tại nhà một cách đơn giản.

  1. Những dấu hiệu của đầy hơi sơ sinh

  • Đầy hơi là hiện tượng thường gặp ở hầu như tất cả các em bé sơ sinh. Nguyên nhânchủ yếu gây ra tình trạng này là do bé nuốt phải quá nhiều không khí.
  • Hệ tiêu hóa của bé dưới 1 tuổi phải làm quen với sữa (lúc sơ sinh), thức ăn dặm(ở thời điểm bắt đầu ăn dặm – khoảng 6 tháng). Quá trình tiêu hóa thức, các vi khuẩn đường ruột hoạt động sinh ra khí, gây đầy hơi trong dạ dày và đường ruột
  • Bé nuốt quá nhiều không khí do bú không đúng tư thế và do khóc nhiều. Tiếng khóc là ngôn ngữ giao tiếp duy nhất của trẻ sơ sinh.
  • Việc cha mẹ cho bé ăn quá nhiều so với nhu cầu của cơ thể cũng gây đầy hơi.
  • Do bé không dung nạp hết lactose hoặc protein trong sữa mẹ.
  • Do bình sữa hoặc dụng cụ chế biến ăn dặm bị nhiễm khuẩn.
Trẻ sơ sinh bị đầy hơi


  1. Bé bị đầy hơi, mẹ nên làm gì?

Nếu bé có dấu hiệu đầy hơi, bạn nên kiểm tra những vấn đề sau đây để đảm bảo con chỉ bị đầy hơi thông thường chứ không mắc các bệnh lý về tiêu hóa

  • Kiểm tra phân em bé: nếu bé phân bé có nhầy, bọt, máu hoặc màu sắc bất thường, bạn nên đưa bé đến bác sĩ để xét nghiệm và kiểm tra các bệnh lý tiêu hóa
  • Nếu bé có dấu hiệu táo bón, tiêu chảy, đề phòng nguy cơ nhiễm khuẩn tiêu hóa.
  • Nếu bé thường xuyên khóc, khó chịu dù mẹ dỗ dành, có thể bé đang có những vấn đề về sức khỏe.

  1. Làm thế nào để tránh đầy hơi cho em bé?

  • Cho bú đúng tư thế, đúng cách, đúng liều lượng:

Khi cho con bú, mẹ cần đảm bảo bé ngậm đúng khớp ngậm (miệng bé ngậm toàn bộ bầu vú, môi dưới hướng ra ngoài, mũi bé đối diện bầu vú), giữ đầu bé cao hơn dạ dày để không khí thoát ra, nếu bú bình, cần dốc bình để sữa ngập hẳn núm vú, tránh việc bé nuốt phải không khí.

Nên ưu tiên các loại bình bú cổ rộng, núm vú mô phỏng ti mẹ, có gân xoắn thông minh giúp hạn chế tối đa không khí lọt vào miệng bé (Chúng tôi khuyên dùng Avent Natural cổ rộng núm xoắn), tránh các loại bình cổ hẹp, sữa chảy chậm khiến bé nuốt nhiều không khí (ví dụ Pigeon)

Cho con bú vừa đủ no, không nên cho bé bú quá no có thể gây đầy hơi, nôn trớ, lâu dài gây giãn dạ dày.

  • Massage bụng/tập vận động cho bé sau khi bú:

Sau khi bé ăn xong, mẹ vỗ ợ hơi và cho con nghỉ ngơi khoảng 20 phút trước khi massage. Mẹ cho bé nằm ngửa, dùng các ngón tay của mẹ xoa nhẹ trên bụng bé theo chiều kim đồng hồ từ trong ra ngoài, chỉ một lúc, mẹ sẽ thấy bé ợ hoặc đánh rắm rất to. Đây là phương pháp hiệu quả để đẩy hết không khí trong dạ dày và ruột bé ra ngoài.

Mẹ cũng có thể cho con nằm ngửa và tập động tác đạp xe đạp. Lưu ý, không tập vận động hoặc massage cho bé ngay sau khi ăn, nên nghỉ ngơi 20 phút trước khi massage.

  • Chườm nóng:

Bạn dùng 2 chiếc khăn sữa nhúng nước nóng, vắt khô, đặt lên tay bạn để kiếm tra độ nóng. Sau đó, bạn gấp một chiếc lại, đặt lên bụng bé, chiếc thứ hai quấn quanh bụng bé để chiếc thứ nhất không bị rơi. Sức nóng và sức nặng của khăn sẽ làm bụng bé thoát hơi nhanh chóng. Lưu ý: quấn vừa đủ, không chặt quá, không nóng quá.

  • Vỗ ợ hơi:

Sau khi bé bú, mẹ cần vỗ ợ hơi thật kỹ cho bé để đẩy hết không khí ra ngoài, không được để bé nằm ngay sau khi bú. Bạn có thể thử các cách sau đây:

- Bế vác, con tựa đầu vào vai mẹ, mẹ vỗ nhẹ lên lưng con.

- Bế vác, con tựa đầu vào vai mẹ, mẹ xoa nhẹ theo hình xoắn ốc dọc xương sống con theo chiều từ lưng lên cổ

- Cho bé nằm sấp trên đùi mẹ, vỗ nhẹ nhàng lên lưng bé

Lặp lại các động tác trên nhiều lần, để bé ợ nhiều lần đến khi sạch hẳn hơi

  • Kiểm tra lượng nước uống hàng ngày của bé:

Bé dưới 6 tháng và ăn sữa mẹ hoàn toàn thì không cần phải ăn uống thêm bất cứ thứ gì (kể cả nước đun sôi để nguội). Với bé từ 6 tháng trở lên, uống nước không đầy đủ cũng là nguyên nhân gây đầy hơi. Bạn nên kiểm tra lượng nước uống hàng ngày của bé, nếu thiếu cần bổ sung ngay. Dấu hiệu thiếu nước ở bé là bé tè ít, nước tiểu vàng, môi khô nẻ.

Đầy hơi chướng bụng là hiện tượng hết sức phổ biến ở trẻ mà hầu như bé nào cũng từng gặp, đầy hơi có thể được xử lý đơn giản tại nhà bằng các phương pháp nêu trên. Tuy nhiên, nếu bé có hiện tượng đầy hơi kéo dài, đã khắc phục nhiều lần nhưng không bớt, nôn trớ nhiều, ăn kém hoặc bỏ ăn, thường xuyên quấy khóc và chậm tăng trưởng về chiều cao và cân nặng, mẹ nên đưa bé đến chuyên khoa tiêu hóa để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét