Trẻ 2 tuổi bướng bỉnh khó chiều, đây là 4 nguyên tắc dạy trẻ mà không cần la mắng

24 tháng là mốc thời gian khủng hoảng của bé. Khi thấy con cáu kỉnh, quậy phá, hẳn cha mẹ sẽ cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng. Không còn là em bé sơ sinh thiên thần, con đã bước những bước đầu tiên vào quá trình học hỏi, khám phá bản thân và khám phá thế giới quanh mình.

Bé 2 tuổi chưa nói được nhiều, bé cũng chưa thể hiểu hết những gì cha mẹ truyền đạt. Vì thế, muốn biết con muốn gì, cha mẹ hãy cố gắng hiểu ngôn ngữ “hành tinh em bé”. Sau đây là những nguyên tắc mẹ cần nhớ để con có tuổi lên 2 không nước mắt.

Trẻ bướng bỉnh


  1. Cha mẹ cần phớt lờ những hành vi xấu của trẻ.

Trẻ 2 tuổi thích lặp đi lặp lại các hành động, đó là cách con học hỏi những điều mới lạ. Chẳng hạn khi con la hét, cha mẹ trở nên tức giận, con sẽ la hét liên tục. Không phải con ngỗ nghịch mà đơn giản, con cảm thấy phản ứng của cha mẹ thật sự thú vị. Con chưa đủ khả năng để hiểu được việc con la hét làm cha mẹ bực bội, chỉ là con cảm thấy thú vị mà thôi.

Cha mẹ hãy phớt lờ những hành động xấu của trẻ, khi thấy mọi người không còn phản ứng gì với việc làm của mình, hứng thú của bé sẽ tiêu tan. Trong trường hợp này, la mắng không thực sự là biện pháp hiệu quả, thay vào đó, cha mẹ hãy kiên nhẫn phớt lờ mọi hành động không tốt của con.

  1. Đưa ra giải pháp cho con

Trong độ tuổi mẫu giáo, cha mẹ không nên đưa ra những mệnh lệnh chung chung “Đừng chạy nhanh”, “Đừng la hét”, hãy đưa ra những yêu cầu cụ thể cho bé, nói cho con biết những việc cụ thể con “nên làm”

  • Không nên ra lệnh “Không được chạy nhanh” mà hãy nói “Con trai, đi bộ cùng mẹ nhé”
  • Không nên ra lệnh “Đừng la hét” mà hãy nói “Con gái, nói nhỏ thôi nhé”

Khi mẹ sử dụng những ngôn từ tích cực mang tính định hướng, những ngôn từ này sẽ làm thay đổi hành vi của một em bé. Em bé biết được mình nên làm gì và sẽ làm theo, dần dần bé sẽ biết được mình không nên làm gì, cha mẹ không cần phải suốt ngày đi theo bé để theo dõi và ngăn chặn.

  1. Hãy giao cho con một công việc cụ thể

Khi bạn giao cho con một công việc cụ thể, bé sẽ ý thức được rằng đây là trách nhiệm của bản thân. Đây là cách để bé tiếp nhận công việc một cách thiện chí ở tuổi lên 2 và thậm chí đến tuổi lên 10. Hãy cho con cùng làm mọi việc với bạn, như một người bạn đồng hành. Khi mẹ giặt đồ, con có thể đi lấy móc quần áo, cùng mẹ đi siêu thị, bé có thể đẩy xe, hoặc trẻ lớn có thể đứng tính tiền.

Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh tại thời điểm đang tập đi, bé thường thích giúp đỡ cha mẹ. Cha mẹ nên tạo điều kiện cho con làm việc thay vì gạt chúng ra vì nghĩ con thật rắc rối, thà mẹ làm còn hơn. Nhớ nhé, hãy cho con làm việc nhà, dù đôi khi con chỉ bày bừa.

Khoa học cũng chứng minh nếu được làm việc nhà từ thời điểm biết đi, khi lớn lên, con sẽ tự động làm việc nhà. Những trẻ biết việc nhà cũng dễ thành công trong công việc và cuộc sống hơn những trẻ khác.

  1. Đơn giản hóa sự việc

Hãy đưa ra cho con những mệnh lệnh đơn, chỉ cần một bước thực hiện duy nhất. Bằng cách đó, bé sẽ biết chia công việc thành các công đoạn đơn giản nhất.

Ví dụ: Mẹ muốn con mặc áo, hãy hướng dẫn từng công đoạn:

  • Lấy áo : “Con trai, hãy chạy thật nhanh đến tủ quần áo nào”
  • Chọn áo : “Con trai thích mặc áo màu gì”
  • Gỡ áo ra khỏi móc: “Con trai, gỡ khuy áo ra nào”
  • Mặc áo vào người : “Con xỏ từng tay vào ống tay áo nhé”
  • Khuy áo lại : “Con cài từng chiếc khuy vào nhé, từ trên xuống dưới”

  1. Đối mặt và thừa nhận cảm xúc của bản thân, kể cả cảm xúc tiêu cực

Bé 2 tuổi bắt đầu định nghĩa cảm xúc và học cách diễn tả cảm xúc. Đôi khi, con sẽ thể hiện cảm xúc hơi “dị” một chút, vì con chưa hiểu hết những cảm xúc đó là như thế nào. Cha mẹ cần hướng dẫn cho con rằng mọi cảm xúc của con đều là bình thường. Bên cạnh đó, cha mẹ cần hướng dẫn con cách gọi tên từng loại cảm xúc. Trẻ em được thừa nhận cảm xúc sẽ hiểu rõ và kiểm soát cảm xúc tốt, từ đó nuôi dưỡng tinh thần đồng cảm và hành vi xã hội tốt, đặc biệt là bé trai.

Đứa trẻ nào cũng sẽ trải qua những giai đoạn khủng hoảng, khó khăn trong hành trình khôn lớn. Thế giới của con không bao la rộng lớn, con chỉ có cha mẹ đồng hành. Vì vậy, cha mẹ nên nhớ mình là người thầy, người bạn đi cùng con trong những thời điểm khó khăn. Phía sau mọi hành vi của con đều có nguyên nhân cảm xúc, nếu cha mẹ hiểu được nguyên nhân cảm xúc dẫn đến hành vi đó của con, cha mẹ sẽ có thể uốn nắn con đúng hướng mà không cần la mắng, quát nạt.

Chúng tôi hy vọng bài viết này sẽ giúp cha mẹ hiểu được phần nào những nguyên nhân “ẩm ương” của tuổi lên 2.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét