Những vật dụng trở thành lãng phí khi mua cho trẻ

Việc sắm thật nhiều đồ dùng khi bé chào đời có thể gây lãng phí. Đôi khi những vật dụng này còn không được sử dụng. Cùng tìm hiểu nhé
Tránh lãng phí khi mua đồ dùng cho em bé
Tránh lãng phí khi mua đồ dùng cho em bé



 1. Thảm nhạc

Những chiếc thảm nhạc xinh xắn bắt mắt thật đấy, nhưng chỉ dùng được một thời gian rất ngắn, đến khi bé biết bò thì bé sẽ đạp thảm nhạc đi trong chớp mắt, thậm chí chỉ 2 tháng tuổi bé đã biết quơ tay giật những con thú treo trên thảm nhạc rồi

  1. Máy hút mũi chạy pin

Máy hút mũi chạy pin không hề hiệu quả hơn dụng cụ hút mũi rẻ tiền. Bạn hoàn toàn có thể dùng dụng cụ hút mũi loại 50k vẫn hút được sạch sẽ, gọn gàng.

  1. Bộ mài móng tay em bé

Móng tay em bé cần được cắt gọn gàng thường xuyên nhưng hiếm em bé nào nằm im cho bố mẹ mài hết bộ móng 20 chiếc. Vì vậy, mẹ hãy dùng bấm móng tay em bé loại thường, bấm bo tròn các cạnh của móng tay để tránh bé tự cào xước mặt, không nhất thiết phải dùng những bộ mài móng tay đắt tiền

  1. Bỉm vải

Được quảng cáo là thân thiện với môi trường và thoáng mông em bé nhưng thực tế việc sử dụng bỉm vải khá là phiền phức khi chiếc bỉm chỉ chứa được không đến một lần tè của bé, chưa kể bỉm vải không thể khử mùi và rất hay tràn.

Nếu xét về tài nguyên, nước sạch + xà phòng  để giặt sạch một chiếc bỉm vải cũng không kém gì việc sử dụng tã giấy, chỉ là bớt thải ra môi trường một chiếc bỉm giấy mà thôi.

  1. Túi hâm nóng bình sữa không dùng điện Babymoov

Được quảng cáo rất tiện lợi vì không cần cắm điện và dễ dàng mang đi du lịch nhưng việc sử dụng túi này khá lích kich vì mỗi lần dùng đều phải luộc, nhưng lại không được để túi sưởi chạm vào đáy nồi, mỗi lần ủ bình sữa đều phải chờ khoảng 20-25 phút sữa mới bắt đầu ấm lên.

Bạn có thể dùng 1 ly nước ấm ngâm bình sữa vào ly, sữa sẽ ấm lên nhanh hơn việc dùng túi hâm kiểu này.

  1. Nôi nằm chung giường bố mẹ

Việc sử dụng nôi để bé nằm chung giường bố mẹ rất phổ biến. Nhưng thực tế là với các bé hiếu động và nặng ký, chỉ cần bé hơn 2 tháng đã có thể trườn ngửa làm nôi bị lật, rất nguy hiểm, bé cũng có thể xoay ngang xoay dọc khi ngủ, vì vậy, bé sẽ không thoải mái khi nằm trong một chiếc nôi nhỏ. Hãy mạnh dạn cho bé nằm trực tiếp lên giường, được tung hoành trên giường, bé sẽ thích thú hơn nhiều.

Nếu muốn sử dụng nôi nằm chung giường với bố mẹ, mẹ nên chọn chiếc nôi có phần đáy chắc chắn và không nên lót quá nhiều khăn, mền vào nôi, đề phòng lật nôi khi bé nằm một mình, sẽ rất dễ xảy ra ngạt thở.

  1. Nhiệt kế đo nước tắm

Nhiệt kế đo nước tắm cũng là một vật dụng không quá cần thiết. Mẹ có thể thử nhiệt độ nước bằng mặt trong khuỷu tay mẹ, đó là nơi da mỏng nhất và mẹ có thể cảm nhận được chính xác độ nóng của nước (không sử dụng bàn tay để thử nhé)

  1. Body sơ sinh

Em bé sơ sinh chưa cứng cổ, vì vậy, mọi thao tác mẹ cần phải thật nhẹ nhàng. Cũng vì vậy,  các loại body trở nên rất bất tiện khi mặc vào hay thay ra lại phải chui cổ. Mẹ không nên vì thấy đẹp mà mua thật nhiều body sơ sinh.

Mẹ hãy chọn những chiếc áo cột dây hoặc gài nút, chọn quần áo rời để dễ thay khi bé lỡ bị lấm bẩn. Nếu ngại quần áo cọc cạch mỗi chiếc một màu, mẹ hãy chọn quần áo theo một tone màu nhất định để khi phối bất cứ món nào với nhau cũng ăn ý mà không phải suy nghĩ nhiều.

  1. Giường cũi

Nếu bạn có ý định nuôi con theo phương pháp truyền thống, khoan mua giường cũi ngủ riêng cho bé. Ban đầu, mẹ có thể sẽ rất hăm hở cho con ngủ riêng, nhưng chỉ vài lần ôm con ngủ, mẹ sẽ bị “nghiện” mùi sữa của con và không thể rời con ra được, thiếu con thậm chí mẹ còn mất ngủ. Từ đó, chiếc cũi sẽ rảnh rỗi dài hạn.

Cũi là món khá đắt tiền, mẹ nên cân nhắc kỹ hiệu suất sử dụng trước khi mua. Hệ thống Con cưng, Bibomart có bán cũi, lắp đặt tận nhà miễn phí, lại thường xuyên có khuyến mãi giảm giá.

  1. Bàn thay tã

Trừ phi phòng bạn rất rộng, còn nếu không, bạn không cần phải trang bị một chiếc bàn chuyên dụng chỉ để thay tã cho con. Nó chiếm quá nhiều diện tích, thậm chí khi bé biết ngồi và biết quậy, chiếc bàn này trở nên nguy hiểm vì bé hiếu động có thể té ngã nếu mẹ sơ suất

  1. Thùng đựng tã bẩn

Tại sao lại phải trang bị thêm một chiếc thùng chỉ chuyên đựng tã bẩn? Tất nhiên, có chiếc thùng này, căn phòng bạn sẽ luôn sạch sẽ thơm tho, nhưng chỉ cần cuộn tã lại và bỏ vào thùng rác thông thường là bạn đã “xử lý” xong chiếc tã bẩn rồi mà, không nhất thiết phải có thùng chuyên dụng đựng tã bẩn đâu.

Một chút kinh nghiệm nhỏ hy vọng các mẹ sẽ tránh khỏi những pha mua sắm “đi vào lòng đất”.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét